1/1/14

ANH HAI ĐỔI ĐỜI TỪ CON DÚI

Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Hình thù bên ngoài dúi không khác chuột là mấy nhưng khi trưởng thành trọng lượng của dúi có thể đạt 3kg/con, trung bình từ 1,6 đến 1,7kg.  Thịt dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên được ưa chuộng. Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay dúi không đủ cung cấp cho thị trường. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở tỉnh Vĩnh Phúc đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao.
Đến thôn Bản Long – xã Minh Quang của huyện Tam Đảo, hỏi nhà anh Dư Văn Hai ai cũng biết bởi anh không chỉ nổi tiếng với các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã mà còn rất thành công với nghề nuôi dúi.
Vào thăm trang trại của anh Hai, điều làm chúng tôi thật sự bất ngờ đó là quy mô nuôi dúi rất lớn của gia đình anh. Với hai khu trang trại rộng gần 10 ha, anh Hai dành phần lớn để nuôi đàn dúi gần 2.000 con, diện tích còn lại anh để nuôi các loại rắn như: rắn giáo và rắn hổ mang…



Có duyên với con  dúi
Anh Hai kể: anh đến với nghề nuôi dúi là rất tình cờ. Năm 1999, tình cờ có người dân đi rừng đào được dúi đem bán, anh Hai mua về ăn thử thấy thịt dúi thơm ngon, da dúi dày và giòn như da lợn rừng song giá chỉ đắt hơn thịt bò một chút nên nảy sinh ý định nhân giống nuôi thử. Những tưởng nuôi dúi dễ như nuôi chuột đồng, không ngờ đưa vào chuồng được vài hôm lũ dúi lăn ra chết. Không nản chí, anh Hai vẫn quyết tâm đầu tư công sức, tiền của cho loài vật nuôi mới lạ này. Trải qua gần 4 năm với nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Hai cũng đã nắm bắt hoàn toàn được đặc tính, thức ăn của loài dúi, thành công đã đến với anh.
Đúc rút kinh nghiệm
Anh Hai chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi dúi: nuôi dúi đơn giản nhưng nếu  không biết cách thì cũng rất khó thành công. Một khi đã nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, tôn trọng đặc tính tự nhiên của loài dúi thì không nuôi con gì nhàn và đơn giản hơn rất nhiều.
Chuồng nuôi dúi: Đặc tính ngoài tự nhiên dúi luôn sống trong hang, đào đất nên chuồng nuôi cần rộng rãi, cao ít nhất 60 cm và phải trát để dúi không đào khoét chạy mất. Sàn chuồng nên lát gạch để không bị hấp hơi nước và dúi không thể đào hang. Đặc biệt, chuồng dúi phải có mái che cẩn thận, không được để ánh nắng chiếu trực tiếp sẽ làm dúi bị mù hoặc bị dính nước mưa dúi sẽ chết. Chuồng nuôi xây xong phải để một khoảng thời gian mới đem thả đề phòng dúi liếm phải nước xi măng. Ngoài ra, phân dúi trong chuồng không cần phải dọn, mùa đông phân sẽ giữ ấm cho dúi còn mùa hè phân có chức năng làm mát.
Thức ăn cho dúi: Dúi là loài gặm nhấm nên thức ăn của chúng chỉ nên dùng ba loại sau: Tre bánh tẻ, chít (bông lau) và mía. Các loại thức ăn này sẽ giúp dúi tiêu hóa tốt và mài bộ răng ngày nào cũng dài ra vài mi li mét của chúng. Đối với các loại thực ăn tinh bột như ngô, khoai, sắn… chỉ nên cho dúi ăn một tháng tối đa hai đến ba lần, nếu cho ăn nhiều dúi sẽ đi ngoài, cũng không được cho dúi ăn cỏ voi vì chúng sẽ bị chết vì tắc ruột.
Chăm sóc dúi sinh sản: Tuổi thọ của dúi dao động 5 - 7 năm. Thời gian để dúi từ lúc sinh đến lúc đẻ là 32 tuần (8 tháng). Một năm dúi đẻ từ 2 - 4 lứa; mỗi lứa từ 2 - 6 con. Trước khi đẻ, dúi cái thường nằm riêng ra một góc chuồng, khi đó bà con nên tách dúi ra một ô chuồng riêng để tránh bị các con dúi khác tấn công. Anh Hai khuyến cáo, chỉ nên để lại tối đa 3 con dúi con để tránh việc chúng bú nhiều gây chết dúi mẹ. Tuy nhiên, anh lưu ý người nuôi nên để dúi con được ba ngày tuổi mới được sờ vào nếu không dúi mẹ sẽ cắn chết toàn bộ dúi con vì phải hơi người. Khi dúi con được 32 ngày tuổi tiến hành tách mẹ và xuất bán làm giống, nuôi đạt đến trọng lượng 1.6 – 2kg có thể đem bán thịt.
Khẳng định tương lai nghề nuôi dúi
Song song với nuôi dúi, anh Hai cũng đã từng nuôi rất nhiều loài vật hoang dã khác. Anh là một trong những người nuôi dế với quy mô lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài ra nhím, tắc kè, lợn rừng…anh cũng đã nuôi qua. Nhưng anh nhận thấy, nuôi những con vật đó vẫn chưa phải là "thượng sách", bởi nhím giá rất đắt nên đầu ra chủ yếu là bán giống và đến một lúc nào đó sẽ bão hòa. Còn mô hình nuôi dế thì đã hết vì không thể tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng con dúi thì khác, thịt dúi bao nhiêu cũng được nhà hàng, khách sạn tiêu thụ hết vì thịt dúi là đặc sản vừa ngon, vừa bổ hợp khẩu vị người Việt. Tính ra mỗi con dúi chi phí chỉ vào khoảng 8-10 nghìn đồng/tháng. Hiện tại, giá dúi thương phẩm anh bán ra khoảng 300-400 nghìn đồng/kg, giá dúi giống khoảng 800 nghìn đồng/đôi. Vì tiềm năng của con dúi như vậy nên dự định sắp tới của anh Hai là mở rộng quy mô nuôi dúi và thu hẹp diện tích nuôi rắn. Anh Hai cũng cho chúng tôi biết thêm, hiện tại CLB những người nuôi dúi của Vĩnh Phúc có gần 30 thành viên  và đang nuôi cả vạn con dúi, số lượng hội viên ngày càng đông hơn. Chính vì vậy số lượng dúi nuôi cũng càng nhiều hơn. Điều này tạo điều kiện cho việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên.
Có thể nói, điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn ở Vĩnh Phúc rất phù hợp với mô hình nuôi dúi. Đây là hường đi mới trong chăn nuôi cần được nhân rộng giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trang trại của anh sẵn sàng đón tiếp bà con nông dân đến tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao và cung cấp con giống chất lượng tốt cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh./.

Trung tâm thông tin NN & PTNT

Liên hệ Mua Phân bón

Ưu điểm của phân bón 1 lần

Tin Phân Bón xem nhiều

Sản phẩm phân bón

Dịch vụ nông nghiệp